Quy trình truyền máu lâm sàng

 

  1. Mở đầu

An toàn truyền máu là một quy trình khép kín gồm nhiều giai đoạn trong đó truyền máu lâm sàng là khâu cuối cùng nh­ưng rất quan trọng.

Truyền máu lâm sàng chủ yếu liên quan đến các công tác như chỉ định truyền máu, dự trù máu và chế phẩm máu, lĩnh máu từ trung tâm truyền máu về bệnh phòng và thực hiện truyền máu tại buồng bệnh, theo dõi bệnh nhân trong và sau khi truyền máu cũng như xử lý các phản ứng không mong muốn liên quan đến truyền máu.

Việc truyền máu phải được thực hiện theo quy định của Quy chế truyền máu do Bộ Y tế ban hành ngày 19 tháng 1 năm 2007 (sau đây gọi tắt là Quy chế truyền máu).

2. Các bước chính trong quy trình truyền máu lâm sàng

  • Chỉ định truyền máu và giải thích cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân về mục đích truyền máu;
  • Dự trù máu, lấy mẫu máu và gửi phiếu dự trù máu, mẫu máu đến trung tâm truyền máu để xét nghiệm hoà hợp và thực hiện phát chế phẩm máu;
  • Lĩnh máu từ trung tâm truyền máu về bệnh phòng;
  • Kiểm tra đối chiếu các thông tin về bệnh nhân, chế phẩm máu, hồ sơ bệnh án trư­ớc truyền máu;
  • Thực hiện việc truyền máu, ghi bệnh án và phiếu theo dõi truyền máu;
  • Theo dõi bệnh nhân trư­ớc, trong và sau khi truyền máu, phát hiện, xử lý các phản ứng truyền máu và ghi vào hồ sơ bệnh án.
  1. Mô tả chi tiết một số bước cơ bản trong quy trình truyền máu lâm sàng

3.1. Chỉ định truyền máu

Quy chế truyền máu quy định, khi chỉ định truyền máu cơ sở điều trị phải thực hiện các yêu cầu sau:

  • Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, thuốc để thực hiện truyền máu và xử trí kịp thời khi có tai biến truyền máu. Những thuốc cấp cứu và dụng cụ tối thiểu cần có: Adrenalin; Kháng histamin; Corticoid dạng tiêm; Heparin; Lợi tiểu đường tiêm; Khí oxy, bóng ambu.
  • Lập kế hoạch, dự trù máu, chế phẩm và thông báo tới cơ sở cung cấp máu của bệnh viện.
  • Chỉ định truyền máu và chế phẩm máu khi thực sự cần cho người bệnh, không có biện pháp điều trị thay thế, đã cân nhắc đến lợi ích, nguy cơ của truyền máu và phù hợp với khả năng sẵn có của máu và chế phẩm.
  • Thông báo cho người bệnh hoặc người nhà về lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra do truyền máu. Trong trường hợp khẩn cấp cần truyền máu ngay nhưng không thể thông báo được do người bệnh bị hôn mê, không có người nhà thì bác sĩ phải ghi rõ với sự xác nhận của một nhân viên y tế vào trong bệnh án.
  • Người bệnh hoặc người nhà người bệnh phải xác nhận và ký vào bệnh án nếu từ chối việc truyền máu, chế phẩm máu.
  • Chỉ dẫn các biểu hiện của các tác dụng không mong muốn có liên quan đến truyền máu để người bệnh, người nhà người bệnh có thể hỗ trợ việc theo dõi, phát hiện và thông báo kịp thời cho nhân viên y tế.

3.2. Dự trù máu và chế phẩm máu

Các thông tin về bệnh nhân, bệnh phòng điều trị, chẩn đoán, chỉ định truyền máu, loại chế phẩm và số lượng máu cần truyền phải được điền đầy đủ trong phiếu dự trù cung cấp máu và chế phẩm. Chi tiết xin xem Mẫu số 3 và Mẫu số 4 ban hành kèm theo Quy chế truyền máu. Khi dự trù máu và lĩnh máu, cơ sở điều trị phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Quy chế truyền máu.

 

3.3. Các việc cần làm sau khi lĩnh máu về bệnh phòng

  • Xác định chính xác bệnh nhân theo hồ sơ (phiếu lĩnh máu);
  • Kiểm tra thông tin trên nhãn hoà hợp dán trên túi máu xem có phù hợp với thông tin về bệnh nhân trong phiếu lĩnh máu không, bao gồm: họ tên bệnh nhân, số gi­ường bệnh – bệnh phòng, nhóm máu ABO và Rh;
  • Ghi lại chính xác thời gian phát máu;
  • Bảo quản máu tại bệnh phòng đúng quy cách cho đến khi truyền máu;
  • Khi phát máu không cùng nhóm, ngân hàng máu phải thông báo cho bác sĩ điều trị đồng thời ghi rõ trong hồ sơ và túi máu.

3.4. Kiểm tra túi máu trước khi truyền

Cần kiểm tra những dấu hiệu hư­ hỏng của túi máu:

  • Dấu hiệu của tan máu thể hiện trong lớp huyết tư­ơng cho thấy máu đã bị nhiễm khuẩn, bị đông lạnh hoặc làm ấm ở nhiệt độ quá cao;
  • Dấu hiệu của nhiễm khuẩn, ví dụ hồng cầu chuyển màu tím/đen;
  • Các cục máu đông cho thấy có thể máu đã không được lắc đúng quy cách để chất chống đông hoà đều khi lấy máu từ ngư­ời cho;
  • Dấu hiệu túi máu bị thủng hoặc bị mở ra từ trư­ớc.

3.5. Đối chiếu bệnh nhân và đơn vị máu trước khi truyền

  • Kiểm tra các chi tiết trên nhãn hoà hợp dán trên túi máu và đối chiếu với hồ sơ bệnh án, cụ thể là: (a) Họ tên bệnh nhân; (b) Số giường bệnh, phòng bệnh hoặc phòng mổ; (c) Nhóm máu của bệnh nhân;
  • Kiểm tra ngày hết hạn của túi máu;
  • Kiểm tra kỹ túi máu tr­ước khi truyền. Không truyền máu nếu có dấu hiệu cho thấy túi máu bị hỏng.

3.6. Thực hiện việc truyền máu và theo dõi bệnh nhân trong quá trình truyền máu

  • Thực hiện kiểm tra, đối chiếu bệnh nhân và đơn vị máu;
  • Định lại nhóm máu tại giường: a) Truyền máu toàn phần, chế phẩm hồng cầu, bạch cầu: sử dụng huyết thanh mẫu định lại nhóm máu ABO của người bệnh và đơn vị máu trước truyền; b) Truyền chế phẩm tiểu cầu, huyết tương: sử dụng huyết thanh mẫu định lại nhóm máu ABO của người bệnh và làm phản ứng chéo giữa mẫu máu người bệnh và mẫu chế phẩm;
  • Phải theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh trong và sau truyền máu để phát hiện và xử trí kịp thời phản ứng bất lợi liên quan đến truyền máu. Theo dõi bệnh nhân trong 15 phút đầu tiên để phát hiện những dấu hiệu sớm của các phản ứng không mong muốn do truyền máu và theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình truyền máu, ít nhất mỗi giờ trong quá trình truyền máu, khi truyền máu xong;
  • Phải ghi chép đầy đủ mọi diễn biến tình trạng người bệnh vào Phiếu truyền máu (theo Mẫu số 5 quy định trong Quy chế truyền máu);
  • Phát hiện và xử lý các tác dụng không mong muốn liên quan đến truyền máu (nếu có), ghi đầy đủ thông tin về tác dụng không mong muốn vào hồ sơ bệnh án và làm xét nghiệm về tác dụng không mong muốn liên quan đến truyền máu (Mẫu số 7 ban hành kèm theo Quy chế truyền máu);
  • Thông báo các phản ứng liên quan đến truyền máu cho cơ sở cung cấp máu để phối hợp xử trí kịp thời. Báo cáo kết quả truyền máu và các tác dụng không mong muốn (nếu có) cho Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban An toàn Truyền máu bệnh viện và cơ sở cung cấp máu (Mẫu số 6 ban hành kèm theo Quy chế truyền máu).

 

Trong trường hợp cần ủ ấm máu thì việc ủ ấm phải thực hiện sau cho không làm tan máu, không làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và phải theo yêu cầu sau:

  • Không được ủ ấm mỗi đơn vị máu, chế phẩm máu quá 30 phút.
  • Thời gian từ khi ủ ấm đến khi kết thúc truyền máu không quá 6 giờ.
  • Ủ ấm máu không vượt quá nhiệt độ 37°C.
  1. Một số quy trình truyền máu chuyên sâu

4.1. Trao đổi huyết tương

Các chỉ định điều trị bằng trao đổi huyết t­ương:

  • Hội chứng tăng độ nhớt máu: đa u tuỷ xư­ơng, bệnh Waldenstrom;
  • Viêm cầu thận tiến triển nhanh;
  • Hội chứng Goodpasture;
  • Hội chứng Guillain-Barré;
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu do vón tiểu cầu.

4.2. Gạn tách tế bào

  • Gạn tách bạch cầu (leukapheresis) dùng để điều trị triệu chứng do bạch cầu tăng cao ở các bệnh nhân leukemia, cho đến khi hoá trị liệu bắt đầu phát huy tác dụng;
  • Gạn tách tiểu cầu (plateletpheresis) dùng điều trị bệnh nhân có số lượng tiểu cầu quá cao gây tình trạng xuất huyết hoặc tắc mạch.

4.3. Tách tế bào gốc bằng ph­ương pháp gạn tách tế bào

Có thể tách tế bào gốc từ máu ngoại vi bằng máy tách tế bào. Phư­ơng pháp này rất hiệu quả và dùng thay thế cho ph­ương pháp hút tế bào tuỷ để người cho không phải gây mê.

Rate this post

Bình luận bằng facebook

bình luận

Để lại một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.