Xác định thành phần nước tiểu bằng thanh thử 10 thông số
I. ÐẠI CƯƠNG
Nước tiểu là dịch bài tiết quan trọng nhất của cơ thể, trong đó chứa phần lớn chất cặn bã của cơ thể. Một số chất bình thường có trong nước tiểu với hàm lượng thay đổi tuỳ theo tình trạng của cơ thể như ure, creatinin, acid uric, chlorua, natri, kali, calci, phosphat,… Ngược lại, một số chất trong trường hợp bệnh lý mới xuất hiện như glucose, protein, cetonic, bilirubin, máu,… Do đó xét nghiệm các thành phần trong nước tiểu giúp đánh giá nhiều trong chẩn đoán theo dõi và điều trị.
Hiện nay, thanh thử nước tiểu có rất nhiều loại, được cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Thanh thử 10 thông số nước tiểu được sử dụng để xác định các thông số: tỷ trọng, pH, bạch cầu, nitrit, protein, glucose, thể cetonic, urobilinogen, bilirubin và máu trong nước tiểu. Lợi ích của nó là cho phép phát hiện những thay đổi bệnh lý một cách nhanh chóng, chính xác và đáng tin cậy.
II. NGUYÊN TẮC PHẢN ỨNG CỦA TỪNG XÉT NGHIỆM TRÊN THANH THỬ.
1. Tỷ trọng nước tiểu
Thử nghiệm này phản ánh nồng độ ion trong nước tiểu. Với sự có mặt của các cation, các proton sẽ được giải phóng bởi một thuốc thử hỗn hợp, tạo nên sự thay đổi màu của chất chỉ thị bromthymol có màu xanh da trời sang màu xanh lá cây rồi sang màu vàng.
Tỷ trọng nước tiểu thay đổi trong ngày, bình thường ở người lớn giao động từ 1,003- 1,030.
– Thay đổi sinh lý: trẻ em có tỷ trọng cao hơn người lớn, khi uống nước ít, ra nhiều mồ hôi tỷ trọng cũng cao.
– Thay đổi bệnh lý:
+ Tăng cao trong bệnh tiểu đường (1,030- 1,050)
+ Giảm nhiều trong bệnh đái tháo nhạt (1,005), suy thận mãn.
2. pH nước tiểu
Giấy trên thanh thử chứa các chất chỉ thị màu: đỏ methyl, phenolphtalein và xanh bromthymol.
Nước tiểu ở người binh thường có phản ứng hơi acid, pH khoảng 5- 6.
– Thay đổi sinh lý: theo chế độ ăn, chế độ ăn nhiều thịt nước tiểu sẽ hơi acid, chế độ ăn nhiều rau nước tiểu sẽ hơi kiềm, vận động nhiều nước tiểu cũng hơi acid.
– Thay đổi bệnh lý: kiềm nhiều trong nhiễm trùng đường tiểu, thận, bàng quang do vi khuẩn sinh ra urease thuỷ phân tạo thành amoniac, toan nhiều trong tiểu đường.
3. Các bạch cầu (leukocytes)
Xét nghiệm này thể hiện sự có mặt của các enzym esterase của các bạch cầu có hạt. Các enzym esterase có tác dụng thuỷ phân este của indoxyl và indoxyl được giải phóng sẽ phản ứng với muối diazonium để cho một sản phẩm màu tím.
4. Nitrit
Xét nghiệm này dựa trên nguyên tắc của xét nghiệm của Griess đặc hiệu với nitrit. Nitrit nếu có mặt trong nước tiểu sẽ phản ứng với một amin thơm tạo ra muối diazonium, rồi cho ra phức chất màu đỏ tím. Phản ứng giúp phát hiện một cách gián tiếp các vi khuẩn tạo nên nitrit có trong nước tiểu bằng sự thay đổi màu từ hồng đến đỏ của thanh thử.
5. Protein
Xét nghiệm dựa trên nguyên tắc về sự thay đổi nồng độ protein phụ thuộc vào một chất chỉ thị về pH. Phản ứng dương tính xảy ra khi màu thanh thử chuyển từ vàng sang màu xanh.
6. Glucose
Xác định glucose trong nước tiểu dựa trên phản ứng đặc hiệu glucoseoxidase/peroxidase. Phản ứng dương tính khi thanh thử chuyển từ màu vàng sang xanh lá cây.
7. Các thể cetonic
Xét nghiệm này dựa trên nguyên tắc của phản ứng Legal, natrinitroferricyanide và glycine phản ứng với acetoacetat và aceton tạo phức chất có màu tím.
Bình thường thể cetonic không có trong nước tiểu, chỉ xuất hiện khi có tiểu đường nặng (giai đoạn tiền hôn mê và hôn mê), đói kéo dài, chế độ ăn giàu lipid, tiêu chảy mất nước nặng, nhiễm độc giáp.
8. urobilinogen
Muối diazonium phản ứng tức thì với urobilinogen để tạo nên một chất azo có màu đỏ.
9. Bilirubin
Nguyên tắc của phản ứng dựa trên sự kết hợp của bilirubin với muối diazonium sẽ cho màu đỏ. Ðậm độ màu của thanh thử từ hồng đến đỏ tỷ lệ thuận với nồng độ bilirubin trong nước tiểu.
10. Hồng cầu
Hemoglobin và myoglobin xúc tác cho sự oxy hoá chất chỉ thị là hydroperoxid hữu cơ chứa trong giâý của thanh thử. Hồng cầu bị ly giải trên giấy thanh thử, giải phóng hemoglobin và tạo ra những chấm màu xanh lá cây trên thanh thử.
Nước tiểu có hồng cầu trong viêm thận cấp, trong lao thận, ung thư thận.
III. KỸ THUẬT.
1. Chuẩn bị
1.1. Chuẩn bị dụng cụ:
Ðặt trong một khay sạch
– Que thử 10 thông số nước tiểu
– Chai và ống nghiệm vô trùng để lấy nước tiểu
– Giá đựng ống nghiệm
– Giấy lọc để thấm và lọc nước tiểu
– Túi giấy hoặc khay hạt đậu để đựng que thử và giấy bẩn
– Găng tay
1.2. Chuẩn bị bệnh nhân
– Nhắc bệnh nhân nhịn đói buổi sáng, nghỉ ngơi, tránh stress, lấy nước tiểu bệnh nhân vào sáng sớm.
– Hỏi kỹ về chế độ ăn uống và thuốc điều trị của bệnh nhân
– Lấy nước tiểu đúng qui cách (lấy giữa dòng, lấy vào chai sạch, vô trùng), sau đó gởi ngay đến phòng xét nghiệm.
2. Tiến hành xét nghiệm
2.1. Mang găng vô trùng vào
2.2. Mã hoá và kiểm tra mẫu nước tiểu của bệnh nhân
2.3. Ðổ nước tiểu của bệnh nhân vào ống nghiệm đủ số lượng qui định của xét nghiệm đo 10 thông số nước tiểu.
2.4. Mở nắp hộp đựng thanh thử nước tiểu, lấy thanh thử ra, sau đó đậy nắp hộp lại.
2.5. Nhúng thanh thử vào ống nghiệm đựng nước tiểu, gạt phần nước tiểu thừa bằng giấy thấm sạch.
2.6. Ðọc kết quả bằng mắt, đối chiếu với thang chuẩn ở trên hộp đựng que thử sau đúng thời gian qui định của xét nghiệm (sau 1 phút).
2.7. Ghi kết quả và nhận định kết quả xét nghiệm.
3. Dọn dẹp và bảo quản dụng cụ
– Chai và ống nghiệm đựng nước tiểu sau khi dùng xong được rửa sạch và sấy vô trùng.
– Ðậy kín hộp đựng que thử 10 thông số nước tiểu, bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh sáng (tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh)
– Que thử, giấy thấm bẩn cho vào túi giấy hoặc khay hạt đậu, cuối buổi xét nghiệm cho vào thùng rác đúng qui định.
Nguồn: Tài liệu tham khảo
Tựa như chiếc lá