Một số xét nghiệm hoá sinh về rối loạn lipid máu
Trước kia các xét nghiệm lipid máu thường làm là định lượng lipid toàn phần, phospholipid, cholesterol (toàn phần và este). Hiện nay, xét nghiệm lipid TP và phospholipid ít được làm, lâm sàng thường quan tâm nhiều hơn là xét nghiệm cholesterol, triglycerid, các lipoprotein và apoprotein.
Các xét nghiệm về lipoprotein thường làm để đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu gồm: LDL (lipoprotein có tỷ trọng thấp) và HDL (lipoprotein có tỷ trọng cao).
1. Các xét nghiệm hoá sinh về rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu nói chung và các rối loạn lipoprotein là yếu tố nguy hại lớn liên quan tới sự phát triển bệnh tim mạch (như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim).
Để phát hiện rối loạn lipid máu cần làm các xét nghiệm sau:
– Cholesterol TP.
– Triglycerid.
– LDL-C.
– HDL-C.
– Apo AI.
– Apo B.
Nếu điều kiện không cho phép thì chỉ cần làm 3 xét nghiệm sau đây: Cholesterol, triglycerid, HDL-C.
+ Không bị rối loạn lipid máu nếu:
Cholesterol < 5,2 mmol/l.
Triglycerid < 2,3 mmol/l.
+ Có rối loạn lipid máu nếu:
– Cholesterol > 5,2 mmol/l và Triglycerid >2,3 mmol/l; hoặc
– Cholesterol 5,2 – 6,7 mmol/l và HDL-C < 0,9 mmol/l.
Một bệnh rối loạn chuyển hóa lipid điển hình là bệnh xơ vữa động mạch (XVĐM).
Các xét nghiệm về rối loạn lipid máu thường làm gồm:
1.1. Cholesterol toàn phần huyết tương
Bình thường: Cholesterol TP = 3,9 – 5,2 mmol/l.
+ Cholesterol TP tăng trong:
– Bệnh tăng cholesterol máu.
– Tăng lipoprotein máu.
– Tắc mật (sỏi mật, ung thư đường mật, xơ gan-mật, tắc mật,..).
– Bệnh rối loạn chuyển hóa glycogen (bệnh Von Gierke).
– Hội chứng thận hư (do viêm cầu thận mạn, tắc tĩnh mạch thận, bệnh hệ thống, thoái hóa dạng bột,…).
– Bệnh lý tuyến tụy (đái đường, viêm tụy mạn,…).
– Phụ nữ mang thai.
– Tác dụng phụ của thuốc (các loại steroid).
+ Cholesterol TP giảm trong:
– Huỷ hoại tế bào gan (do thuốc, hóa chất, viêm gan,…).
– Hội chứng cường giáp.
– Suy dinh dưỡng (suy kiệt, các bệnh ác tính giai đoạn cuối,…).
– Thiếu máu mạn tính.
– Điều trị bằng corticoid và ACTH.
– Giảm b-lipoprotein.
– Bệnh Tangier.
1.2. Triglycerid huyết tương
Bình thường: Triglycerid < 2,3 mmol/l.
+ Triglycerid tăng trong:
– Tăng lipid máu gia đình.
– Bệnh lý về gan.
– Hội chứng thận hư.
– Nhược giáp.
– Đái đường.
– Nghiện rượu.
– Gout.
– Viêm tụy.
– Bệnh rối loạn chuyển hóa glycogen.
– Nhồi máu cơ tim cấp (tăng đến đỉnh trong 3 tuần, có thể tăng kéo dài trong 1 năm).
– Tác dụng phụ của thuốc (liều cao estrogen, block b)
+ Triglycerid giảm trong: Suy dinh dưỡng.
Vì trong thành phần của các lipoprotein (LP) có cholesterol, các xét nghiệm hiện nay về các LP thường được viết như:
LDL-C: là cholesterol có trong LDL.
HDL-C: là cholesterol có trong HDL.
1.3. HDL-cholesterol (HDL-C)
HDL-C là xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần của phân đoạn lipoprotein HDL.
Vai trò quan trọng của HDL là loại bỏ cholesterol từ các tế bào nội mạc động mạch, là yếu tố bảo vệ chống bệnh tim mạch, chống xơ vữa động mạch. Lượng HDL-C càng thấp (< 0,9 mmol/l) thì khả năng bị XVĐM càng cao.
Bình thường: HDL- C > 0,9 mmol/l
+ HDL-C tăng trong:
– Tập luyện thể lực.
– Tăng độ thanh thải của VLDL.
– Điều trị bằng insulin.
– Dùng estrogen.
+ HDL- C giảm trong:
– Stress và bệnh tật (nhồi máu cơ tim cấp, đột quị, phẫu thuật, chấn thương).
– Suy kiệt.
– Không luyện tập thể thao.
– Béo phì.
– Hút thuốc.
– Đái đường.
– Nhược giáp.
– Bệnh lý về gan.
– Hội chứng thận hư.
– Tăng urê máu.
– Tác dụng phụ của thuốc (progesteron, steroid, hạ huyết áp nhóm chẹn b).
– Tăng triglycerid máu.
– Giảm a-lipoprotein máu gia đình.
– Một số bệnh di truyền (bệnh Tangier, bệnh thiếu hụt nhóm chuyển acyl giữa lecithin và cholesterol, bệnh thiếu apoprotein A-I và C-III,…).
1.4. LDL-cholesterol (LDL-C)
LDL có 25% protein là apo B; cholesterol gắn với LDL (LDL-C), nó tham gia vào sự phát triển của mảng XVĐM gây suy mạch, tắc mạch và nhồi máu.
Vai trò quan trọng của LDL là vận chuyển và phân bố cholesterol cho các tế bào của các tổ chức.
Bình thường: LDL- C < 3,9 mmol/l.
+ LDL-C tăng trong:
– Tăng cholesterol máu gia đình.
– Đái đường.
– Kết hợp với tăng lipid máu.
– Nhược giáp.
– Hội chứng thận hư.
– Suy thận mạn.
– Chế độ ăn nhiều cholesterol.
– Phụ nữ mang thai.
– U tuỷ.
– Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
– Chán ăn do tâm lý, thần kinh.
– Tác dụng phụ của thuốc (estrogen, steroid, hạ huyết áp nhóm chẹn b, carpazepin).
Phần protein có trong các LP gọi là apoprotein (viết tắt là Apo), chiếm tỷ lệ khác nhau trong các lipoprotein, thấp nhất ở chylomycron và tăng dần ở VLDL-C, LDL-C, cao nhất ở HDL-C.
Trong số các Apo có Apo AI, Apo B được chú ý nhiều hơn cả vì chúng có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển HDL, LDL qua màng tế bào.
1.5. Apoprotein AI
Apo A là phần protein chủ yếu của HDL, gồm Apo AI và Apo AII . Trong đó Apo AI chiếm chủ yếu (60- 70% phần protein của HDL).
– Có vai trò: làm giảm nồng độ chylomicron huyết tương.
– Là chất kích thích hoạt động của enzym lecithin cholesterol acyl transferase (LCAT), enzym này xúc tác phản ứng chuyển gốc acid béo của lecithin ở vị trí carbon b sang cholesterol tạo thành cholesterol este hóa.
– Là chất nhận diện cho receptor trên màng tế bào để nhận diện và vận chuyển HDL từ mọi tế bào vào gan, giúp cho việc loại bỏ cholesterol từ các tế bào nội mạc động mạch (làm giảm sự tạo thành các mảng xơ vữa thành mạch).
Định lượng Apo AI dựa theo nguyên lý sau: Apo AI có trong mẫu thử hoặc chuẩn ngưng kết với kháng thể kháng Apo AI có trong thuốc thử. Mức độ kết dính tỷ lệ thuận với nồng độ Apo AI có trong mẫu thử, và nồng độ Apo AI được xác định bằng phương pháp đo độ đục ở bước sóng 340 nm; so với chuẩn tính được kết quả.
Bình thường: Nam: 1,1 – 1,7 g/l.
Nữ: 1,1 – 1,9 g/l.
Kỹ thuật xác định Apo AI được làm trên máy phân tích hóa sinh tự động (ví dụ như: Autohumalyzer 900s, Hitachi 902).
1.6. Apoprotein B (Apo B)
– Apo B là phần protein của LDL, là chất nhận diện của receptor màng tế bào đối với LDL, đóng vai trò quan trọng đưa HDL từ máu vào các tế bào.
Hiện nay, các thuốc điều trị XVĐM và giảm lipid máu có tác dụng làm tăng số lượng receptor đặc hiệu với LDL (Apo B) ở màng tế bào, tức là làm tăng khả năng tiếp nhận LDL, đưa chúng từ máu vào tế bào, tránh hiện tượng ứ đọng LDL ở thành mạch.
Định lượng Apo B dựa theo nguyên lý sau: Apo B có trong mẫu thử hoặc chuẩn ngưng kết với kháng thể kháng Apo B có trong thuốc thử, mức độ kết dính tỷ lệ thuận với nồng độ Apo B có trong mẫu thử và nồng độ Apo B được xác định bằng phương pháp đo độ đục ở bước sóng 340 nm; so với chuẩn tính được kết quả.
Bình thường: Nam: 0,6 – 1,18 g/l.
Nữ: 0,52 – 1,02 g/l.
Kỹ thuật xác định Apo B được làm trên các máy phân tích hóa sinh tự động.
2. Bệnh xơ vữa động mạch
+ Khái niệm: XVĐM là tình trạng thành mạch dày lên và có lắng đọng cục bộ của lipid (cholesterol este và các lipid khác). Các lipoprotein lắng đọng, kết tụ tạo mảng vữa động mạch, làm hẹp lòng mạch, giảm tính đàn hồi của mạch máu, suy giảm tuần hoàn, có thể dẫn đến nhồi máu.
+ Bệnh hay gặp trong: Tiểu đường, thận hư, béo phì, Gout, chế độ dinh dưỡng có nhiều lipid (triglycerid, cholesterol, phospholipid..).
Bệnh XVĐM có thể có bất kỳ 1 trong các bất thường:
– VLDL tăng (chứa chủ yếu TG) với LDL bình thường (chứa chủ yếu là cholesterol).
– LDL tăng với VLDL bình thường.
– Cả LDL và VLDL đều tăng (cholesterol và triglycerid).
+ Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán xơ vữa động mạch gồm:
(1) Định lượng TG huyết tương (có nhiều trong VLDL và LDL)
(2) Định lượng cholesterol TP, cholesterol este hóa:
– Có nhiều trong các mảng xơ vữa.
– Xơ vữa và choleserol thay đổi không song hành: có xơ vữa mà cholesterol vẫn bình thường (tỷ lệ đáng kể).
(3) Định lượng cholesterol trong HDL (HDL-C): HDL-C tỷ lệ nghịch với nguy cơ XVĐM.
(4) Định lượng apoprotein huyết tương.
Giảm Apo AI, tăng Apo B: chỉ số trung thành nhất để chẩn đoán XVĐM.
Có thể định lượng apoprotein bằng các phương pháp như:
– Phương pháp miễn dịch-điện tử (EIA – eletro-immuno assay)
– Phương pháp miễn dịch phóng xạ (RIA –radio immuno assay),
– Phương pháp enzym-miễn dịch (ELISA-enzym linked immuno sorbent assay).
– Phương pháp xét nghiệm độ đục miễn dịch (ITA= immuno- turbidimetric assay).
Dựa vào các kết quả xét nghiệm về các lipoprotein huyết tương có thể nhận biết về nguy cơ XVĐM.
So với trị số bình thường mà các kết quả về cholesterol, triglycerid, các lipoprotein như: tăng cholesterol, tăng VLDL-C, tăng LDL-C, tăng TG và HDL-C giảm cho biết nguy cơ XVĐM cao.
Nguồn: Tài liệu tham khảo
Tựa như chiếc lá