U xơ tử cung đặc trưng bởi tình trạng cơ trơn tử cung hình thành khối u lành tính. Đây là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh lý gây ra các triệu chứng như xuất huyết tử cung bất thường, táo bón, tiểu nhiều lần, tiểu tiện lắt nhắt,… hoặc có thể không gây ra bất cứ biểu hiện lâm sàng nào.
Nội dung
U xơ tử cung là bệnh gì?
U xơ tử cung (Uterine fibroids) là thuật ngữ đề cập đến khối u lành tính xuất hiện tại cơ trơn của tử cung. Bệnh lý thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản (từ 25 – 50 tuổi). Bệnh lý ít có khả năng phát triển thành khối u ác tính và cũng không gây ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, u xơ phát triển kích thước lớn có thể gây xuất huyết tử cung bất thường, chèn ép xương chậu, đồng thời ảnh hưởng đến các cơ quan trong buồng tử cung như buồng trứng, ống dẫn trứng,… Sự xuất hiện trong khối u có thể gây biến dạng lòng tử cung làm tăng nguy cơ sảy thai, giảm khả năng thụ thai và gây ra một số vấn đề như sinh non, thai chậm tăng trường, nhau bong non.
Nguyên nhân u xơ tử cung
Nguyên nhân chính gây ra bệnh u xơ tử cung hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên qua các nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy u xơ là khối u phụ thuộc vào hormon estrogen, một phần hormone progesterone. Do đó, bệnh thường gặp ở nữ giới trong giai đoạn sinh nở, nhất là phụ nữ đang mang thai.
Dưới đây là một số yếu tố có mối liên hệ mật thiết với quá trình hình thành khối u lành tính ở cơ trơn tử cung:
- Hormone: U xơ thường xuất hiện trong độ tuổi sinh sản, có xu hướng phát triển mạnh khi nồng độ estrogen và progesterone tăng cao. Số liệu thống kê nhận thấy, có hơn 70% trường hợp u xơ bắt đầu hình thành trong giai đoạn mang thai và thường giảm kích thước sau khi mãn tính do suy giảm nội tiết tố.
- Yếu tố di truyền: Theo các chuyên gia, nữ giới có khả năng bị u xơ cao nếu có mẹ, bà, chị/ em mắc bệnh lý này.
- Cấu trúc nền phát triển quá mức (ECM/ Extracellular matrix): ECM là vật lý trị liệu giúp các tế bào kết dính tạo thành niêm mạc. Tuy nhiên, tình trạng ECM tăng đột ngột có thể dẫn đến hình thành các khối u bất thường ở thành tử cung.
- Một số yếu tố khác: Các nghiên cứu nhận thấy, những yếu tố tăng trưởng (như insulin) có thể ảnh hưởng đến sự hình thành cũng như phát triển của u xơ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ u xơ tử cung, bao gồm:
- Phụ nữ da đen thường có nguy cơ bị u xơ với các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với các chủng tộc khác.
- Có kinh nguyệt sớm
- Dung nạp ít rau xanh, trái cây, thiếu vitamin D, dùng nhiều thịt đỏ
- Người bị thừa cân – béo phì
- Sử dụng nhiều bia rượu
Thực tế nhận thấy, quá trình tăng trưởng của u xơ thường có sự khác biệt ở từng trường hợp. U xơ có thể phát triển nhanh nhưng cũng có thể tiến triển chậm, kích thước không tăng hoặc có xu hướng co lại theo thời gian. Trên thực tế, một số khối u xơ hình thành khi mang thai và có thể biến mất hoàn toàn sau khi sinh.
Triệu chứng u xơ tử cung
Các triệu chứng của bệnh lý không có tính điển hình cũng như đồng nhất với nhau. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều không có các triệu chứng lâm sàng. Trong khi đó, một số ít trường hợp, u xơ có thể gây ra các triệu chứng ở mức độ nặng, khởi phát đột ngột, có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.
1. Các triệu chứng thông thường
Các biểu hiện bệnh lý thường bắt nguồn từ tình trạng chèn ép vùng chậu. Các triệu chứng thường gặp, bao gồm:
- Chảy máu tử cung bất thường (rong huyết, cường kinh, rong kinh) là biểu hiện thường gặp nhất ở nữ giới bị u xơ. Mức độ xuất huyết thường phụ thuộc vào kích thước cũng như vị trí khối u.
- Xuất hiện tình trạng chèn ép hạ vị dẫn đến bí tiểu, táo bón, tiểu nhiều lần, cảm giác tiểu không hết, tức bụng,… U xơ có kích thước lớn có thể chèn ép tĩnh mạch dẫn đến phù nề chi dưới, tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
- Hầu hết trường hợp bị u xơ đều có cảm giác đau bụng dữ dội
- Gây đau khi giao hợp, nhất là u xơ xuất hiện ở đáy tử cung và mặt trước tử cung.
- Trường hợp u xơ xoắn (thường gặp ở u xơ có cuống) hoặc u xơ thoái hoá có thể gây ra cơn đau cấp tính, đi kèm sốt nhẹ, mức độ đau tăng lên khi chạm vào vùng dưới
- Gặp khó khăn trong quá trình thụ thai.
2. Biểu hiện trong thời gian mang thai
Nếu khởi phát trong giai đoạn mang thai, u xơ tử cung có thể gây ra một số biểu hiện như:
- Sảy thai
- Thai chậm tăng trưởng
- Ngôi thai bất thường do khối u chèn ép
- Tăng nguy cơ băng huyết khi sinh
Phân loại u xơ tử cung
Dựa vào vị trí xuất hiện khối u, bệnh lý được chia thành 4 loại chính:
- U xơ trong cơ tử cung: Đây là tình trạng khối u hình thành trong lớp cơ tử cung. U có thể lan rộng và biến đổi thành hình dạng lòng tử cung hoặc tiến triển xâm lấn lớp thanh mạc tử cung.
- U xơ dưới thanh mạc: Bệnh thường khởi phát ở lớp cơ nằm sát thanh mạc. Loại u này có thể cuống hoặc nằm trên dây chằng rộng.
- U xơ cổ tử cung: U xơ cổ tử cung nằm ở cổ tử cung nhiều hơn thân tử cung. Loại u này có thể gây bít cổ tử cung khiến máu kinh không thể hoặc khó thoát ra bên ngoài, từ đó gây đau bụng dữ dội.
- U xơ dưới niêm mạc: Bệnh lý xảy ra khi khối u xuất hiện ở lớp cơ nằm trên lớp niêm mạc. U xơ dưới niêm mạc được chia thành 3 tuýp là tuýp 0 toàn bộ u xơ nằm trong lòng tử cung; tuýp 1 > 50% thể tích của khối u nằm trong lòng tử cung và tuýp 2 < 50% thể tích khối u nằm trong lòng tử cung.