Tính chất lý hoá của nước tiểu

1 Số lượng:

Trong 24 h, lượng nước tiểu trung bình ở người lớn khoảng 1000 – 1400 ml, tương đương 18- 20 ml/Kg thân trọng. Tuy nhiên thể tích nước tiểu thay đổi theo điều kiện sinh lý và bệnh lý.

Thay đổi sinh lý:
– Về tuổi: trẻ em tính theo Kg thân trọng thì lượng nước tiểu nhiều hơn so với người lớn.
– Tuỳ theo chế độ ăn uống: uống nước nhiều thì lượng nước tiểu đào thải nhiều.
– Tuỳ theo chế độ làm việc và thời tiết: ở điều kiện khí hậu ẩm, làm việc trong điều kiện nóng, ra nhiều mồ hôi thì lượng nước tiểu có thể ít. Mùa hè đi tiểu ít, mùa đông đi tiểu nhiều hơn.

Thay đổi bệnh lý:
– Lượng nước tiểu tăng: có thể trên 2500ml/24h, ví dụ trong bệnh tiểu đường, đái tháo nhạt, giai đoạn đái trở lại của bệnh nhân viêm ống thận cấp…
– Lượng nước tiểu giảm: có thể dưới 750 ml, ví dụ trong thiểu niệu, vô niệu do viêm cầu thận cấp, viêm ống thận cấp ngộ độc, mất máu, bỏng nặng, mất nước cấp tính do tiêu chảy, sốt cao…

2. Màu sắc của nước tiểu

Bình thường nước tiểu có màu từ vàng nhạt tới màu hổ phách tuỳ vào lượng nước tiểu bài tiết và đậm độ nước tiểu. Những sắc tố chính trong nước tiểu là urochrom, urobilin.
Trong một số trường hợp bệnh lý, có thể có một số chất làm cho màu sắc nước tiểu thay đổi như:
– Nước tiểu có màu nâu vàng khi có bilirubin.
– Nước tiểu có màu đỏ khi đái ra máu hoặc hemoglobin
– Nước tiểu đục như nước vo gạo khi có dưỡng chấp.

3. Độ trong suốt

Nước tiểu mới bài tiết thường trong suốt. Sau một thời gian ngắn để lắng nước tiểu sẽ có một đám mây vẩn đục lơ lửng ở giữa hay ở đáy đựng nước tiểu, đó là những tế bào nội mô đường tiết niệu và chất nhày urosomucoid. Ngoài ra, trong nước tiểu còn có thể có tủa lắng xuống đáy lọ, đó có khi là cặn acid uric, muối urat hoặc phosphat. Phân biệt hai loại muối này bằng cách đun nóng nước tiểu gần sôi, muối urat tan, nước tiểu trong trở lại, cặn phosphat không tan trong môi trường trung tính hoặc kiềm, chỉ tan trong môi trường acid nhẹ.

4 Mùi
Nước tiểu bình thường có mùi đặc biệt, nước tiểu để ra ngoài không khí có mùi khai do urê bị biến đổi thành amoniac.
Trong trường hợp bệnh lý:
– Nước tiểu có mùi aceton: hôn mê do tiểu đường.
– Nước tiểu có mùi hôi: ung thư thận, bàng quang.

5. Sức căng bề mặt
Nước tiểu bình thường có sức căng bề mặt thấp hơn nước (64 – 69 dyn/cm2), sức căng bề mặt của nước là 72. Trong trường hợp bệnh lý như viêm gan tắc mật, sức căng bề mặt của nước tiểu giảm do trong nước tiểu có muối mật.

6. Tỷ trọng
Ở người lớn bình thường, chế độ ăn hỗn hợp, đo ở điều kiện nhiệt độ 15oC , tỷ trọng nước tiểu 24 giờ dao động từ 1,005 – 1,030 ( trung bình 1,018 ( 0,22).
Một số trường hợp bệnh lý làm thay đổi tỷ trọng nước tiểu:
– Tỷ trong cao: tiểu đường.
– Tỷ trọng thấp: đái tháo nhạt.

7. pH của nước tiểu

Nước tiểu bình thường hơi acid, pH khoảng 5 – 6 (trung bình 5,8). Đó là do trong nước tiểu có một số acid tự do (acid uric, acid phosphat, acid aceto acetic) và một số hợp chất acid dưới dạng muối amoni.

Thay đổi sinh lý:
– Tuỳ theo chế độ ăn: ăn nhiều rau, pH kiềm; ăn nhiều thịt, pH acid.
– Lao động mạnh về cơ bắp, hoạt động thể dục thể thao làm tăng độ acid nước tiểu.

Thay đổi bệnh lý:
– pH nước tiểu kiềm: trong trường hợp viêm bể thận, viêm bàng quang.
– pH nước tiểu acid: tiểu đường nặng thể cetonic niệu.

 

Nguồn: Tài liệu tham khảo

Rate this post

Bình luận bằng facebook

bình luận

Trả lời