Bệnh bụi phổi bông

BỆNH BỤI PHỔI BÔNG (BYSSINOSIS)

TS. Nghiêm Thị Minh Châu – Học viện Quân Y

  1. 1.     Đại cương:

Là tình trạng bệnh lý của đường hô hấp với biểu hiện khó thở cấp tính, kèm theo ho, tức ngực vào một hoặc nhiều ngày trong tuần làm việc và lâu ngày dẫn đến hội chứng tắc nghẽn do hít thở bụi bông, gai, lanh, đay… (còn gọi là bệnh hen của thợ dệt, bệnh sốt ngày thứ hai hay bệnh khó thở tức ngực ngày thứ hai). Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp (BBPBNN) đặc hiệu do bông, lanh, gai, đay nói chung có bệnh sử nghèo nàn, hình ảnh X quang không đặc hiệu, không có biến đổi bệnh lý ở phổi. Nguyên nhân được đề cập nhiều: vi khuẩn, nấm, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường. Trước đây, việc công nhận BBPBNN còn là điều miễn cưỡng đối với các thầy thuốc chuyên khoa về bệnh phổi nhưng gần đây, các biến đổi chức năng hô hấp đã chứng tỏ BBPB là một bệnh riêng có tính đặc trưng với tình trạng dị ứng dạng khó thở, xuất hiện khi tiếp xúc lại với bụi sau ngày nghỉ hàng tuần của thợ dệt.

1.1.    Khái niệm về bệnh:

–         Khái niệm về bệnh bụi phổi bông (Byssinosis) được Proust đề xuất và sử dụng năm 1977 để chỉ các triệu chứng khó thở cấp tính kèm theo ho, tức ngực vào một hoặc nhiều ngày trong tuần lao động xảy ra ở những người tiếp xúc với bụi bông, bụi gai và lanh. Bệnh này còn được gọi là bệnh hen của thợ dệt hoặc bệnh khó thở, tức ngực ngày thứ hai.

 

Cơ chế bệnh sinh:

Cơ chế bệnh sinh của bệnh bụi phổi bông hiện này còn có nhiều ý kiến khác nhau vì chưa có tác giả nào giải thích hoặc chứng minh được một cách có thuyết phục. Người ta đề cập đến một số giả thuyết sau:

– Trong bụi bông, đay, lanh có chứa các chất có khả năng giải phóng Histamin, làm co thắt cơ trơn phế quản và phù nề niêm mạc phế quản. Như vậy các yếu tố đó có mang tính kháng nguyên. Người ta cũng đã nghiên cứu kháng thể chống lại những kháng nguyên có trong bụi bông. Hiệu giá kháng thể này cao ở công nhân (CN) tiếp xúc với bụi bông so với người bình thường. Như vậy phản ứng kháng nguyên (trong bụi bông) và kháng thể xảy ra ở thành các tiểu phế quản đã gây ra tình trạng giải phóng Histamin và gây ra co thắt và dẫn tới khó thở. Trong quá trình của 1 tuần lao động, kháng thể có thể giảm đi do phản ứng kháng nguyên- kháng thể, do vậy những ngày tiếp theo sau ngày đầu tuần, sự co thắt phế quản giảm dần và khó thở cũng giảm đi. Sau 1-2 ngày nghỉ cuối tuần, sự tích luỹ nồng độ kháng thể tăng lên, do đó ở ngày làm việc đầu tuần sự tiếp xúc trở lại với kháng nguyên có trong bụi bông làm cho phản ứng kháng nguyên – kháng thể mạnh lên và bệnh nhân thường biểu hiện khó thở ở ngày đầu của tuần làm việc

– Một số tác giả khác thì nêu lên vai trò của nội độc tố vi khuẩn có trong bụi bông, đay, lanh là yếu tố có tác dụng gây giải phóng Histamin và Serotonin gây co thắt phế quản và dẫn tới khó thở.

2- Lâm sàng:

Bệnh bụi phổi bông là một bệnh mãn tính đường hô hấp, diễn qua 2 giai đoạn:

2.1. Giai đoạn sớm:

Trong giai đoạn này triệu chứng chủ yếu đặc trưng là tức ngực. Đặc điểm của triệu này là xuất hiện vào ngày lao động đầu tiên sau ngày nghỉ cuối tuần. Tức ngực có thể kéo dài suốt cả ngày lao động đầu tiên này, và hết triệu chứng khi ra khỏi vị trí lao động. Tuy vậy trong quá trình phát triển của bệnh, về sau ngoài triệu chứng tức ngực sẽ xuất hiện khó thở và không chỉ xuất hiện các triệu chứng trên vào ngày đầu của lao động, các triệu chứng này kéo dài sang các ngày khác nữa và có thể hết cả tuần lao động.

Trong quá trình bệnh tiến triển nặng dần, người công nhân có biểu hiện bệnh các ngày trong tuần, kể cả khi chuyển nghề không tiếp xúc với bụi nữa

2.2. Giai đoạn muộn:

Ở giai đoạn muộn, bệnh biểu hiện giống bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế nang không do nghề nghiệp (nếu không khai thác tiền sử). Ho, khô mồm, mệt mỏi, nhức đầu, đặc biệt là sốt rất đặc trưng do đó, có tác giả gọi BBPB là bệnh sốt ngày thứ hai. Giai đoạn này tình trạng khó thở, chủ yếu khó thở ra, tức ngực xuất hiện có tính chất thường trực. Kèm theo có thể có ho, khạc đờm. Khi gắng sức tình trạng trên càng biểu hiện rõ rệt. Bệnh nhân luôn cảm giác như thiếu không khí. Các triệu chứng tương tự như bệnh phổi phế quản mãn tính. Tình trạng suy hô hấp theo thời gian cứ một tăng lên khiến khả năng lao động bị suy giảm rõ rệt.

Nếu bệnh keó dài trên 10 năm, thường dẫn đến suy hô hấp không hồi phục với bệnh cảnh lâm sàng là giãn phế quản- phế nang.

3- Cận lâm sàng:

3.1. Xquang phổi: X quang phổi không biểu hiện đặc biệt, có thể thấy hình ảnh rốn phổi rườm rà, đậm hoặc kèm theo hình ảnh giãn phế quản. Ở những trường hợp nặng phổi thấy sáng hơn bình thường, hình ảnh phế thũng (các xương sườn nằm ngang và khoang gian sườn giãn rộng)- Những dấu hiệu thay đổi trên Xquang ít có ý nghĩa để chẩn đoán bệnh, mà là yếu tố cộng thêm kết hợp với những biến đổi chức năng hô hấp giúp cho việc xác định mức độ bệnh lý.

3.2. Biến đổi chức năng hô hấp:

Thể tích thở ra tối đa/giây giảm tuỳ theo mức độ bệnh lý.

4. Phân loại bệnh lý:

– Để tiện việc đánh giá mức độ bệnh lý về lâm sàng Schilling và cộng sự (1963) chia ra các loại C (Clinical grades) như sau:

. C1/2: Tức ngực vào ngày lao động đầu tiên trong tuần, tuần có tuần không.

. C1: Tức ngực vào ngày lao động đầu tiện trong các tuần.

. C2: Tức ngực vào ngày lao động đầu tiên và các ngày khác trong tuần.

. C3: Như C2, nhưng có kèm theo biến đổi chức năng hô hấp (tức giảm không khí thở ra tối đa/ giây)

– Để đánh giá về biến đổi chức năng hô hấp do tác hại của bụi phổi bông người ta đo không khí thở ra tối đa/giây vào ngày trước và sau ca lao động, đo vào ngày lao động đầu tiên trong tuần sự thay đổi các giá trị này dưới 80% được xem như bất thường -Khi các trị số này không bình thường sẽ phải đo lại theo nghiệm pháp dược động học- Bouhuys, Gilson và Schilling (1970) đưa ra các phân loại về chức năng hô hấp như sau:

. Fo dung tích phổi chưa bị ảnh hưởng – chưa có biến đổi chức năng hô hấp.

. F 1/2: Dung tích phổi bị ảnh hưởng nhẹ, chưa có biến đổi chức năng hô hấp.

. F 1: Dung tích phổi giảm vừa – chưa có biến đổi chức năng hô hấp

. F 2: Có biến đổi chức năng hô hấp từ nhỏ đến vừa và không hồi phục.

. F 3: Có biến đổi chức năng hô hấp từ vừa đến nặng và không hồi phục.

Để đánh giá chính xác hơn sự rối loạn không khí do bụi phổi bông gây ra, người ta làm test khí dung thuốc giãn phế quản: Bằng cách cho bệnh nhân hít thở thuốc giãn phế quản (như Salbutamol), sau 15’ đo không khí thở ra tối đa/giây (TTTRTĐ/Giây) ta sẽ có TTTRTĐ/Giây thực tế – Tỷ lệ giữa TTTRTĐ/Giây thực tế /TTTRTĐ/Giây lý thuyết nếu giảm dưới 80% là có rối loạn thông khí tắc nghẽn không hồi phục (TTTRTĐ/Giây lý thuyết là 80% dung tích sống lý thuyết tính theo người Việt Nam). Nghiệm pháp này gọi là nghiệm pháp dược động học.

5- Chẩn đoán:

Những yếu tố đặc trưng về thay đổi bệnh lý (lâm sàng, cận lâm sàng) trong bệnh bụi phổi bông không rõ rệt, do vậy việc quy định một quy trình chẩn đoán bệnh là hết sức cần thiết để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc có thể xảy ra.

5.1. Đối tượng chẩn đoán:

Những người được xét xác định bụi phổi bông phải thực sự lao động ở môi trường có bụi bông, gai, đay với nồng độ vượt quá giới hạn cho phép (1mg/m3KK) và phải có thời gian tiếp xúc nghề nghiệp trên 5 năm.

5.2. Lâm sàng:

Dựa chủ yếu vào hội chứng (ngày thứ 2)

Thể C1: Tức ngực và khó thở vào ngày lao động đầu tiên trong các tuần.

Thể C2: Tức ngực và khó thở vào ngày lao động đầu tiên và các ngày khác trong tuần.

5.3. Cận lâm sàng:

Dựa vào chức năng hô hấp (TTTRTĐ/G) và nghiệm pháp dược động học

TT

Chỉ tiêu

Mức

1

2

 

3

Trị số TTTRTĐ/G đầu ca lao động của ngày lao động đầu tiên lớn hơn trị số TTTRTĐ/G ở cuối ca lao động cùng ngày.TTTRTĐ/G sau khi ngừng tiếp xúc từ 2 ngày trở lên phải nhỏ hơn so với TTTRTĐ/G lý thuyết.

Làm nghiệm pháp dược động học thì tỷ lệ % của TTTRTĐ/G so với TTTRTĐ/G lý thuyết nhỏ hơn.

200ml

 

80%

 

80%

 

6. Tiến triển, tiên lượng.

Trong quá trình làm việc tiếp xúc với bụi, nếu trên lâm sàng xuất hiện các hội chứng (ngày thứ 2) ở mức độ C1/2 hoặc C1, nếu được chuyển công việc thì bệnh có thể ổn định (hết các triệu chứng) trong 1 vài tuần hoặc 1 tháng. Nếu tiếp tục làm việc bệnh sẽ tiến triển dần đến mức độ ngày càng nặng hơn với những cơn ho mạnh, có khạc đờm, khó thở và lâu dài sẽ suy hô hấp nặng và suy tim.

7. Dự phòng và điều trị.

– Dự phòng: Kiểm soát nồng độ bụi trong môi trường lao động

– Biện pháp cá nhân:

Cũng có 1 ý nghĩa nhất định trong điều kiện hiện tại: Các trang thiết bị bảo vệ xâm nhập đường hô hấp của bụi như khẩu trang phải đủ và đúng quy định. Những người làm việc, tiếp xúc với bụi, khi đã xuất hiện các hội chứng (ngày thứ 2) nên chuyển đổi nghề, sẽ tránh được tiến triển nặng không có khả năng hồi phục ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài. Cơ quan y tế phải có trách nhiệm tuyển dụng những người khỏe mạnh không mắc các bệnh, bệnh phổi mãn tính vào làm việc. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những người bị bệnh để có phương pháp giải quyết chuyển nghề cho họ.

– Điều trị: Chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng các thuốc giãn phế quản và kháng Histamin- Không  có thuốc điều trị đặc hiệu- Có thể điều trị ổn định trong các giai đoạn sớm C1/2 – C1 có thể cả C2.

Ở giai đoạn nặng hơn điều trị chỉ có thể làm giảm các triệu chứng tạm thời. Khi đã bị bệnh tâm phế mãn, điều trị như bệnh lý này về mặt nội khoa.

8. Một số câu hỏi mẫu có thể ứng dụng để phát hiện các triệu chứng lâm sàng (Theo Lammers, SChilling và Walford – 1964).

1/ anh chị có bao giờ cảm thấy tức ngực hay khó thở không?

2/ Anh (chị) có bao giờ tức ngực khó thở ngoài các cơn cảm lạnh không?nếu có,khi nào?

3/ Cơn tức ngực, khó thở có xuất hiện vào 1 ngày đặc biệt nào không? Nếu có thì nói rõ cơn chỉ xuất hiện vào ngày lao động đầu tiên hay còn vào 1 ngày hoặc nhiều ngày khác?

Rate this post

Bình luận bằng facebook

bình luận

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.