Phương pháp Nội soi đại tràng không đau là gì

Nội soi đại tràng là một kỹ thuật thăm dò chức năng được sử dụng để phát hiện những thay đổi bất thường trong ruột già (đại tràng) và trực tràng

Nội soi đại tràng không đau

Nội soi đại tràng là một kỹ thuật thăm dò chức năng được sử dụng để phát hiện những thay đổi bất thường trong ruột già (đại tràng) và trực tràng. Bệnh nhân được gây mê trong quá trình nội soi, không gây cảm giác đau, khó chịu được gọi là nội soi đại tràng không đau.

Một ống dài linh hoạt có gắn camera được đưa vào đại tràng cho phép bác sĩ xem bên trong của toàn bộ đại tràng. Nội soi có thể giúp bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân có của đau bụng, chảy máu trực tràng, táo bón, tiêu chảy mãn tính và các vấn đề đường ruột khác, phát hiện tổn thương niêm mạc, khối u hoặc các loại mô bất thường. Qua đó có thể  loại bỏ khối u (polyp), mô bất thường trong quá trình nội soi.

Khi nào cần thực hiện Nội soi đại tràng

Chỉ định soi đại tràng chẩn đoán trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại tràng.
  • Đi ngoài phân đen (soi dạ dày bình thường).
  • Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.
  • Tiêu chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân, tiêu chảy cấp tính.
  • Rối loạn đại tiện.
  • Kiểm tra những bất thường không rõ trên phim X-quang.
  • Đau dọc khung đại tràng chưa rõ nguyên nhân.
  • Chảy máu thấp chưa rõ nguyên nhân.
  • Soi kiểm tra định kỳ bệnh nhân có polyp, ung thư đại tràng.
  • Bệnh túi thừa.
  • Các bệnh viêm đại tràng do mọi nguyên nhân.

Chỉ định Nội soi đại tràng điều trị:

  • Cắt polyp.
  • Lấy dị vật.
  • Cầm máu.
  • Nong chỗ hẹp.
  • Điều trị xoắn đại tràng ( và manh tràng).

Chỉ định soi đại tràng theo dõi:

  • Sau cắt polyp, nếu polyp lành tính, soi kiểm tra sau 3 năm, sau đó cứ 5 năm một lần.
  • Bệnh nhân viêm đại tràng có loạn sản nặng.

Chống chỉ định đối với bệnh nhân có các đặc điểm sau:

  • Nghi ngờ hội chứng mạch vành cấp.
  • Tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
  • Nghi ngờ thủng tạng rỗng.
  • Nghi ngờ phình, tách động mạch chủ.
  • Bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp.
  • Bệnh nhân suy tim nặng.
  • Bệnh nhân rối loạn tâm thần không hợp tác.
  • Chống chỉ định tương đối: tụt huyết áp HA tâm trương < 90mmHg.
  • Bệnh nhân đang có thai (3 tháng đầu và 3 tháng cuối).

Quy trình nội soi đại tràng không đau

5 bước cơ bản

Bước 1: Bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi

Bước 2: Xét nghiệm máu, chụp X.Quang tim phổi, siêu âm bụng và điện tâm đồ

Bước 3: Làm sạch đại tràng

Bước 4: Tiến hành gây mê và nội soi

Bước 5: Bác sĩ xem kết quả và chỉ định điều trị

Rủi ro khi nội soi đại tràng

Nhìn chung, nội soi đại tràng là biện pháp thăm dò và điều trị an toàn, tuy nhiên vẫn có một số rất nhỏ trường hợp có thể gây rủi ro:

  • Phản ứng với các thuốc gây mê được sử dụng trong nội soi.
  • Chảy máu từ vị trí lấy mẫu sinh thiết hoặc vị trí cắt  polyp hoặc mô bất thường
  • Một vết rách trong thành đại tràng hoặc trực tràng.

Lưu ý trước khi nội soi

  • Nội soi đại tràng cần sự chuẩn bị kỹ để lòng đại tràng sạch hết phân, khi nội soi bác sĩ sẽ có thể thấy rõ lòng đại tràng.
  • Bệnh nhân nên tránh ăn những thức ăn có nhiều chất xơ và rau trong vài ngày, trước khi nội soi.
  • Bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi đi nội soi đại tràng
  • Bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ biết các thuốc đang điều trị, tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh khác nếu có.
  • Các trường hợp khác, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn chi tiết trước khi nội soi.
4/5 - (1 bình chọn)

Bình luận bằng facebook

bình luận

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.