Cơn đau thắt ngực – Cấp cứu

1- Triệu chứng:
– Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xảy ra khi gắng sức, khi có stress, sau tắm lạnh, ăn quá nhiều. Có một thể tự phát, cơn đau đột nhiên xảy ra không liên quan đến hoàn cảnh trên.
– Cơn đau điển hình: đau đột ngột thường ở sau xương ức, vị trí 1/3 trên hay 1/3 giữa, cũng có thể đau ở vùng trước tim, tính chất đau như co thắt tim hoặc đau ức, đè nén buộc bệnh nhân phải ngừng các hoạt động, thậm chí ngừng thở. Đau có thể lan ra cánh tay trái hoặc cả 2 tay, 2 vai, lên cổ, lên hàm, ra sau lưng, kèm theo vã mồ hôi, lo lắng. Cơn đau mất đi nhanh chóng sau khi ngậm Nitroglycerin hoặc ngừng vận động.
Trên thực tế, cần lưu ý có những trường hợp không điển hình về tính chất đau, vị trí đau, cũng có những trưởng hợp bệnh nhân không đau (suy vành thầm lặng).
– Mạch, huyết áp bình thường, có thể tăng nhẹ.
– Điện tâm đồ trong cơn thấy đoạn ST chênh xuống, sóng T dương, nhọn, đối xứng (tổn thương và thiếu máu dưới nội tâm mạc) hoặc đoạn ST chênh lên, sóng T âm, nhọn, đối xứng (tổn thương và thiếu máu dưới thượng tâm mạc). Ngoài cơn đau, các sóng bệnh lý chỉ thấy ở khoảng 30% số bệnh nhân.
2- Xử trí:
-Cho bệnh nhân ngừng vận động, nằm nghỉ nơi yên tĩnh, thoáng, thở nhẹ nhàng, giải thích cho bệnh nhân tránh lo lắng.
– Cắt cơn đau: ngậm dưới lưỡi 1 viên Nitroglycerin 0,5 – 0,75mg, thuốc cắt cơn đau từ 30 giây đến 1 – 2 phút, kéo dài 30 phút. Có thể xịt Nitromint spray vào miệng 1 – 2 lần. Nếu có điều kiện ghi điện tâm đồ ngay.
Theo dõi huyết áp, mạch, cơn đau. Sau 10 -20 phút, nếu vẫn còn đau ngực thì cho ngậm lại 1 viên Nitroglycerin 0,5mg hoặc xịt Nitromint spray, thường thì với liều này là có kết quả. Nếu cơn đau kéo dài trên 20 phút mặc dù đã dùng Nitroglycerin thì phải lưu ý đến khả năng nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần được chuyển ngay lên tuyến trên.
Trong ngày có thể dùng thuốc nhiều lần nếu cơn đau lại tái diễn và bệnh nhân không bị đau đầu, hạ huyết áp. Chống chỉ định dùng Nitroglycerin khi huyết áp tâm thu < 100mmHg. Tăng nhãn áp.
– Bảo vệ tế bào cơ tim: Vastarel 20mg, uống 3 viên/ngày chia làm 2 lần.
– Có thể dùng thuốc an thần: Seduxen 5mg.
3- Điều kiện chuyển tuyến sau:
Nguyên nhân của cơn đau thắt ngực thuờng là do vữa xơ động mạch vành gây hẹp lòng mạnh làm một vùng của cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng. Cơn đau thắt ngực dễ bị tái phát hoặc chuyển sang nhồi máu cơ tim, dễ gây rối loạn nhịp tim, đột tử… vì vậy khi bệnh nhân đã ổn định hoặc khi không cắt được cơn đau hoàn toàn (có thể cơn đau thắt ngực không ổn định), phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để làm các thăm dò cần thiết xác định chuẩn đoán và nếu đúng là suy vành thì có phương hướng điều trị cơ bản. Phải bảo đảm hô hấp và tuần hoàn tốt trong quá trình chuyển bệnh nhân.

Nguồn tham khảo:
Đại học Y Dược Huế
Rate this post

Bình luận bằng facebook

bình luận

Trả lời