BỆNH BỤI PHỔI AMIĂNG (ASBESTOSE)

BỆNH BỤI PHỔI AMIĂNG (ASBESTOSE)

Giảng viên: TS. Nghiêm Thị Minh Châu  – Học Viện Quân Y

  1. 1.     Đại cương:

1.1.   Định nghĩa:  Bệnh bụi phổi Amiăng (asbertose) là một bệnh xơ hoá phổi có hoặc không kết hợp với xơ hoá màng phổi, do bụi amiăng (bụi asbert) gây ra. Các tổn thương xơ hoá trong bệnh lý này không tạo thành các hạt trên hình ảnh Xquang và GPBL như trong bệnh bụi phổi Silic.

Amiăng là một loại nguyên liệu được sử dụng đa dạng trong công nghiệp để sản xuất vật liệu cách nhiệt, chống cháy, chịu acid, vật liệu cách điện, cách âm. Người ta dùng nó như một phối liệu để sản xuất ngói, cao su, chất dẻo…Số lượng người tiếp xúc với amiăng cũng không ít – Loại bệnh lý này được biết đến rất sớm ở Pháp (1906), ở Anh (1907).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 100.000 người chết do các bệnh ung thư có liên quan đến amiăng, tiến triển của bệnh có thể kéo dài từ 10, 20, hoặc 30 năm trước khi phát bệnh.

Trên thực tế, amiăng có tới 6 loại, trong đó loại độc hại nhất có tên khoa học là crocidolite, hay còn gọi là “amiăng xanh”, đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Loại ít độc hơn cả là chrysolite, còn gọi là “amiăng trắng”, hiện vẫn đang được sử dụng để làm tôn lợp nhà, gioăng đệm, hoặc ống dẫn nước tại nhiều nước đang phát triển.  Ban Asbestos (một mạng lưới quốc tế, hiện đang đấu tranh đòi cấm sử dụng amiăng trên toàn thế giới) cho biết việc sản xuất quặng sợi này đang gia tăng tại một số nước, nhất là các nước thuộc thế giới thứ ba.

1.2.   Amiăng nguyên liệu (nguyên nhân gây bệnh).

Có 2 loại amiăng chính: Sepentin và amphibol.

–         Nhóm amphibol gồm:

. Crocidolit (amiăng xanh) công thức Na20..Fe203.3Fe0.8Si02.H.

. Amosit:  5,5Fe0 – 1,5 Mg0.8Si02.H20.

. Anthophylit:  7Mg.0Si02.H20.

. Tromolit:  2Ca0.5Mg0.0Si02.H20.

. Actinolit:  2Ca0.4Mg0.Fe0.8Si02.H20.

–                   Nhóm Serpentin: Crysotil (Amiăng trắng): 3Mg0.2Si02.2H20 đây là loại phổ biến nhất.

1.3.   Cơ chế bệnh sinh.

Cơ chế bệnh sinh trong bệnh bụi phổi Amiăng hiện nay chưa được rõ ràng. Sự liên quan đến thực bào các sợi amiăng và sự giải phóng các yếu tố kích thích sinh xơ của đại thực bào chưa được chứng minh.

  1. 2.  Triệu chứng lâm sàng:

Bệnh thường xuất hiện sau 1 thời gian dài tiếp xúc (10 – 20 năm). Các triệu chứng lâm sàng diễn biến từ từ khó nhận biết và phụ thuộc vào mức độ xơ hoá phổi, có thể thấy:

–         Khó thở: Đây là dấu hiệu cơ bản và chủ yếu nhất – lúc đầu chỉ là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở liên tục.

–         Tức ngực, ho, khạc đờm: Triệu chứng này xuất hiện sớm hơn giống như một viêm phế quản mãn tính.

–         Nghe phổi: Có thể thấy rì rào phế nang giảm hoặc thô, có hoặc không có ran nổ ở đáy phổi – Các dấu hiệu này không điển hình.

Tuy vậy thực chất khi đã xơ hoá phổi thì dung tích sống của phổi, dung tích toàn bộ của phổi đã giảm ở những mức độ khác nhau.

Thực tế để xác định bệnh lý này không thể dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, bởi lẽ lâm sàng thường không điển hình, xuất hiện muộn hơn các tổn thương về mặt Xquang và chức năng hô hấp. Để chẩn đoán đúng phải dựa vào: Yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp. Lâm sàng và cận lâm sàng.

  1. 3.     Xét nghiệm cận lâm sàng:

3.1.   X quang: Hình ảnh Xquang của bệnh bụi phổi amiăng không đặc hiệu, có thể biểu hiện:

–    Xơ hoá các dải xơ tạo thành kiểu hình lưới với các mắt lưới dày như mạng nhện thường nằm 2/3 dưới phổi nhất là vùng cận góc sườn hoành bên phải, trong lúc đó vùng đỉnh phổi không bị tổn thương- có thể gặp cả hình ảnh kiểu viêm dày các rãnh liên thuỳ khá đậm.

–    Màng phổi vôi hoá: Vôi hoá màng phổi có thể gặp nhưng thường thì rất muộn (sau 20 năm tiếp xúc). Vôi hoá thường đối xứng cả 2 bên. Vôi hoá có thể xuất hiện độc lập (thể tổn thương màng phổi đơn thuần) gặp ở những công nhân tiếp xúc với nồng độ amiăng thấp kéo dài. Tuy vậy cũng gặp những trường hợp vừa có xơ hoá nhu mô phổi vừa có vôi hoá màng phổi. Sự vôi hoá màng phổi có thể gặp ở lá thành và lá tạng.

–    Mảng màng phổi: Là sự dày không đồng đều, không hệ thống, không liên tục xảy ra ở màng phổi tạo thành các mảng rải rác khắp nơi mật độ không đồng đều.

–    Dày màng phổi: Trên phim chụp thẳng thấy màng phổi dày lên vài milimét. Hình ảnh này có thể xuất hiện sớm trong một số trường hợp và thường xuất hiện ở những người tiếp xúc với amiăng mà không có xơ hoá phổi kèm theo.

3.1-          Biến đổi chức năng hô hấp

Mọi tình trạng xơ hoá phổi đều dẫn tới quá trình thông khí phổi. Trong bệnh bụi phổi amiăng quá trình xơ hoá là chủ yếu, quá trình viêm nhiễm khí thũng, gây hội chứng tắc nghẽn phổi ít hơn nên khi đo chức năng hô hấp thường thấy: Có rối loạn thông khí hạn chế là chủ yếu, tuy nhiên cũng gặp những rối loạn thông khí kiểu hỗn hợp.

3.2-   Giải phẫu bệnh lý:

– Đại thể: Nếu bị bệnh nặng có thể thấy thể tích phổi nhỏ lại, màu sắc nhợt, không mềm mại, có khi trở nên rắn như cao su- màng phổi dày, mất độ trong thường có – cắt phổi thấy màng phổi dày lên bờ rất rõ có những vùng bị xơ hoá mạnh có màu xám- cũng gặp các vùng phế nang bị dãn rộng (khí thũng) và tình rạng giãn phế quản ở vùng bị xơ hoá nặng.

– Vi thể: Trong các phế quản nhỏ và phế nang có các sợi amiăng và đại thực bào, có các sợi lưới bao bọc đại thực bào và bụi amiăng, có tình trạng xơ hoá các sợi lưới và tắc nghẽn phế nang. Ở vùng xơ hoá mạnh, tổ chức phế nang bị thay thế bằng phổi tạo keo. Tổn thương phần lớn là xơ hoá trong, lan toả, xen kẽ có chỗ hoại tử hoặc vôi hoá kết hợp với viêm nội mạch.

 

4-    Các thể bệnh:

4.1-         Thể xơ hoá phổi: Thường gặp ở công nhân làm việc trong môi trường bị ô nhiễm bụi amiăng nghiêm trọng. Đặc điểm thể bệnh này là tình trạng xơ hoá phổi lan toả như đã mô tả ở trên.

4.2-         Thể tổn thương màng phổi: Bệnh lý này thường chỉ xảy ra ở màng phổi đơn thuần mà không phối hợp với quá trình xơ hoá phổi. Những dạng có thể gặp:

–         Tràn dịch màng phổi.

–         Mảng màng phổi.

–         Vôi hoá màng phổi hoặc dày màng phổi.

4.3-         U ác tính:

Khả năng gây ung thư của bụi phổi Amiăng đã được thừa nhận- tỷ lệ tuy không cao, song có thể gặp một số dạng ung thư như sau:

– Ung thư loại biểu mô kém biệt hoá: Thường gặp ở thuỳ giữa và dưới của phổi.

– Ung thư trung biểu mô: Là loại ung thư toả lan ở màng phổi và có cả màng bụng. Loại này gặp tần suất cao hơn loại ung thư biểu mô.

Tuy nhiên thời gian để xuất hiện loại ung thư này thường rất muộn (sau 20 năm tiếp xúc)

  1. 5.        Tiến triển và biến chứng:

Bệnh thường tiến triển chậm, các tổn thương xơ hoá phổi, tổn thương màng phổi là vĩnh viễn không hồi phục và có khuynh hướng phát triển theo thời gian tiếp xúc – Biến chứng thường gặp:

– Tâm phế mãn: Do xơ hoá phổi lan toả dẫn tới suy tim phải.

– Viêm phế quản và khí thũng: Cũng thường gặp trên bệnh nhân bị xơ hoá phổi do bụi amiăng.

– Giãn phế quản do co kéo của tổ chức xơ.

– Ung thư phổi: Người ta thấy có sự liên quan giữa người bị bệnh bụi phổi amiăng và ung thư phổi. ở công nhân bị bệnh này tỷ lệ bị ung thư phổi tăng lên.

  1. 6.        Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh bụi phổi amiăng phải căn cứ vào nhiều yếu tố, vì tính không đặc hiệu về lâm sàng và cận lâm sàng.

– Yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp: Phải xác định chắc chắn là công nhân có làm việc trong môi trường có nồng độ bụi amiăng vượt giới hạn cho phép- thời gian tiếp xúc cũng có ý nghĩa đáng kể trong chẩn đoán.

– Xét nghiệm cận lâm sàng:

. X quang phổi: Có hình ảnh xơ hoá lan toả (thuỳ dưới của phổi) có thể thấy mảng phổi, dày màng phổi, xơ hoá màng phổi đơn thuần hoặc kèm xơ hoá phổi.

. Chức năng hô hấp: Chủ yếu rối loạn thông khí kiểu hạn chế cũng gặp rối loạn thông khí thể hỗn hợp (vừa hạn chế vừa tắc nghẽn).

. Thể asberst trong đờm: Đây thực chất là một test tiếp xúc. Thể asberst được Fahr và Feigel mô tả năm 1914. Cấu trúc của thể asberst dài từ 50-150 micromet, dày 5-10 micromet. Cấu trúc của thể asberst chính là sợi amiăng được bọc bởi một lớp protein có chứa sắt- thể này thường thắt đoạn ở giữa, 2 đầu tròn- Về sau này có thể phân giải (1 phần nằm trong đại thực bào 1 phần nằm thò đầu ra ngoài có màu nâu). Thể asbest hình thành ở phế nang xuất hiện ở trong đờm từ 1-3 tháng sau khi tiếp xúc với bụi amiăng. Sau khi ngừng tiếp xúc nhiều năm vẫn có thể tìm thấy thể  asbest trong đờm.

Tuỳ theo cách nhuộm mà thể asbest bắt màu khác nhau: Nhộm bằng Fe-roxanua thì có màu xanh lơ, nhuộm bằng sulfuaamon có màu đen.Thể asbest chỉ có giá trị là 1 test tiếp xúc, không có giá trị chẩn đoán bệnh và thực hiện không phải lúc nào cũng thấy, do vậy phải xét nghiệm nhiều lần.

– Lâm sàng: Chủ yếu là tình trạng khó thở- mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào mức độ xơ hoá nặng hoặc nhẹ- cũng gặp dấu hiệu như một viên phế quản mãn.

  1. 7.        Điều trị:

Không có biện pháp điều trị nào để làm ổn định hoặc ức chế sự phát triển của bệnh. Khi bị bệnh cho ngừng tiếp xúc và điều trị theo triệu chứng là chủ yếu.

  1. 8.        Dự phòng:

8.1-          Biện pháp dự phòng:

– Tìm cách thay amiăng bằng nguyên liệu khác.

– Ngăn ngừa tạo thành bụi tại nơi sản xuất, sử dụng, khai thác.

– Khâu phát tán bụi nhiều: thực hiện trong chu trình khép kín.

– Thông hút gió thường xuyên, làm ẩm không khí, nền nhà

8.2. Biện pháp cá nhân:

– Đeo mạt nạ hoặc khẩu trang khi lao động để chống bụi xâm nhập qua đường hô hấp.

– Mặc quần áo bảo hộ lao động, thay quần áo khi ra về

8.3 Biện pháp y tế:

– Giám sát vệ sinh môi trường 1 cách chặt chẽ và thường xuyên

– Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hằng năm để phát hiện người có sức khoẻ kém, để chuyển đổi công việc, những người nghi nghờ bị bệnh để cách ly xác định, điều trị hoặc chuyển việc. Trong quá trình khám sức khoẻ tổ chức chụp Xquang phổi.

9.  Giám định y khoa bệnh bụi phổi amiăng:

Những người có tổn thương cơ thể rõ do ảnh hưởng của bụi amiăng được giám định và đền bù mất sức lao động.

Tiêu chuẩn giám định bệnh bụi phổi amiăng

Hội chứng bệnh

Thời gian bảo đảm

Tỷ lệ mất sức

lao động

  1. Xơ phổi và phế quản do hít phải bụi amiăng được xác định bằng: Xquang, đo chức năng hô hấp và xét nghiệm thể asbest trong đờm.

– Chưa có rối loạn chức năng hô hấp

– Có rối loạn chức năng hô hấp.

  1. 2.     Ung thư phổi

– Thiểu năng tim.

– Suy tim phải không hồi phục.

. Giai đoạn 1-2.

. Giai đoạn 3-4

5 năm

 5-10 năm

5 năm

 

 

 

10-30%

31-80%

81-100%

41-60%

61-80%

81-100%

Rate this post

Bình luận bằng facebook

bình luận

Trả lời