Hậu sản thường

MỤC TIÊU:

  1. Nắm được những thay đổi giải phẫu, sinh lý trong thời kỳ hậu sản.
  2. Trình bày những hiện tượng lâm sàng trong thời kỳ hậu sản.
  3. Biết cách chăm sóc hậu sản.

 

1.      ĐỊNH NGHĨA

Hậu sản là thời gian 6 tuần sau sinh.

Trong thời gian này, trừ tuyến vú tiếp tục hoạt động mạnh, còn tất cả các cơ quan sinh dục từ từ trở lại trạng thái bình thường về mặt giải phẫu và sinh lý.

 

2.      NHỮNG THAY ĐỔI GIẢI PHẨU VÀ SINH LÝ THỜI KỲ HẬU SẢN

2.1.  Tại tử cung:

Thân tử cung: trước khi có thai kích thước khoảng 6cm, nặng 60gr, khi thai đủ tháng kích thước 30 – 32cm, nặng 1500g. ngay sau khi thai sổ, tử cung gò chặt thành một khối chắc, đáy tử cung ngay dưới rốn, lúc này trọng lượng tử cung khoảng 1000g, sau 1 tuần nặng khoảng 500g, sau 2 tuần 300g, hết thời kỳ hậu sản trở về trọng lượng bình thường.

* Trên lâm sàng ta nhận thấy 3 hiện tượng:

+ sự co cứng tử cung: sau khi nhau sổ, tử cung co cứng trong vài giờ thực hiện tắc mạch sinh lý tạo thành khối an toàn của tử cung.

+ sự co bóp tử cung: trong những ngày đầu sau đẻ tử cung có những cơn co bóp để tống sản dịch ra ngoài: biểu hiện bởi đau, ra ít máu cục + sản dịch chảy ra ngoài.

+ sự co hồi tử cung: ngay sau đẻ đáy tử cung trên vệ khoảng 13cm, mỗi ngày co hồi khoảng 1cm, ngày thứ 12 – 13 sẽ không sờ được tử cung trên xương vệ

Lớp cơ tử cung: lớp cơ tử cung móng dần đi do các sợi cơ nhỏ đi và ngắn lại, một số sợi cơ thoái hóa mỡ và tiêu đi. các mạch máu cũng co nhỏ lại do sự co hồi của lớp cơ đan.

Đoạn dưới: thu hồi nhanh trở lại thành eo tử cung vào ngày thứ 5 sau đẻ.

Cổ tử cung: ngắn và nhỏ lại, lỗ trong đóng vào ngày thứ 5 đến thứ 8, lỗ ngoài đóng vào ngày thứ 12 hoặc hé mở. Ông cổ tử cung không còn hình trụ nữa mà thành hình nón đáy ở dưới.

Nội mạc tử cung: tiến triển theo 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn thoái triển: trong 2 tuần đầu, những ống tuyến và tế bào màng rụng bị hoại tử thoát ra ngoài theo sản dịch.

+ Giai đoạn phát triển: từ ngày 14 – 15 thì lớp đáy của màng rụng sẽ tái tạo những ống tuyến, gian chất và mạch máu dưới ảnh hưởng của Estrogen và Progesterone. Sau 6 tuần, niêm mạc tử cung được phục hồi hoàn toàn và sẽ thực hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên nếu không cho con bú.

2.2.  Phần phụ, âm đạo, âm hộ và tầng sinh môn:

–         Phần phụ gồm buồng trứng, vòi trứng, dây chằng tròn, dây chằng rộng trở lại bình thường trong hố chậu về chiều dài, hướng, vị trí.

–         Am hộ, âm đạo bị căng dãn trong khi đẻ sẽ co dần lại và 15 ngày sau đẻ sẽ trở về vị trí bình thường.

–         Tầng sinh môn: các cơ nông và sâu lấy lại trương lực tùy thuộc chất lượng cuộc đẻ, đẻ thường hay đẻ khó, cắt rách tầng sinh môn và thể dục sau đẻ.

2.3.  Vú: Sau đẻ vú phát triển nhanh, căng lên, to, rắn chắc. Núm vú to và dài ra. Tỉnh mạch vú nổi rõ. Tuyến sữa phát triển, to lên có khi căng tận nách. Có hiện tượng tiết sữa.

3.      NHỮNG HIỆN TƯỢNG LÂM SÀNG

3.1.  Sự co hồi tử cung: Biểu hiện bằng:

–         Tử cung thu nhỏ lại.

–         Cơn đau tử cung.

–         Bài tiết sản dịch

Sau khi sanh tử cung co lại cao trên khớp vệ khoảng 13cm, mỗi ngày co hồi 1 cm, sau 2 tuần thì không nắn thấy đáy tử cung trên vệ nữa.

Sự co hồi tử cung phụ thuộc vào: con so co hồi nhanh hơn con rạ, tử cung ở người đẻ thường co nhanh hơn người mổ đẻ, người cho con bú tử cung co nhanh hơn người không cho con bú, tử cung bị nhiễm khuẩn co hồi chậm hơn tử cung không bị nhiễm khuẩn, trường hợp bí tiểu, táo bón sau đẻ tử cung bị đẩy lên cao và co hồi chậm

Trên lâm sàng nếu thấy tử cung co hồi chậm, sốt, tử cung còn lớn và đau, sản dịch hôi cần phải nghĩ tới nhiễm khuẩn hậu sản.

3.2.  Sản dịch: là chất dịch chảy ra ngoài âm hộ trong thời kỳ hậu sản.

–         Cấu tạo: là những mảnh vụn của màng rụng, máu cục và máu loãng, các tế bào và dịch tiết ra từ cổ tử cung, âm đạo.

–         Tính chất: trong 2 – 3 ngày đầu sản dịch màu đỏ tươi về sau đỏ sẩm, từ ngày 4 – 8 sản dịch loãng hơn lẫn nhầy lờ lờ máu cá, từ ngày 8 – 12 sản dịch chỉ là chất nhầy, trong. Bình thường sản dịch vô trùng, nhưng sau khi chảy qua âm đạo, âm hộ sản dịch mất tính chất vô khuẩn và có thể bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn…

Sản dịch có mùi tanh nồng. Nếu bị nhiễm khuẩn sản dịch có mùi hôi.

–         Khối lượng: khối lượng sản dịch thay đổi tùy người. Trong 10 ngày đầu, trung bình sản dịch có thể ra tới 1500g, ngày thứ nhất và thứ hai ra nhiều có thể lên tới 1000g, sau đó ít dần, sau 2 tuần thì hết hẳn.

Nếu sản dịch ra nhiều, kéo dài hoặc hết máu đỏ sẫm lại ra máu tái lại cần theo dõi sót nhau.

Ba tuần sau sinh có thể thấy kinh non do niêm mạc tử cung phục hồi.

3.3.  Sự xuống sữa:

Ở người con so, sự xuống sữa vào ngày thứ 3, người con rạ xảy ra ngày thứ 2 với các triệu chứng:

–               Nhức đầu, khó chịu, mạch hơi nhanh, sốt nhẹ 380C, cảm giác ớn lạnh.

–               Toàn bộ vú cương, đau, to.

–               Các triệu chứng mất khi có hiện tượng tiết sữa. Nếu sau khi xuống sữa mà vẫn còn sốt phải đề phòng nhiễm khuẩn ở  tử  cung hay ở vú.

Cơ chế phân tiết sữa:

–               Khi có thai, nhau tiết ra nhiều Estrogen và Progesterone.

–               Estrogen tác dụng lên sự phát triển của hệ thống ống dẫn sữa.

–               Progesterone tác dụng lên sự phát triển của các tiểu thùy và nang của tuyến sữa.

–               Sau khi sanh, nồng độ hai kích thích tố trên giảm xuống.

–               Prolactine được tuyến yên tiết ra, giúp sự phân tiết sữa. Đồng thời, Prolactine sẽ ức chế Estrogen và Progesterone nên người phụ nữ cho con bú sẽ chậm có kinh lại.

–               Oxytocin được tiết ra từ thùy sau tuyến yên kích thích sự ép sữa.

–               Trong cơ chế tiết sửa, các phản xạ thần kinh từ sự mút sữa và làm trống bầu sữa mẹ sẽ kích thích tuyến yến tiết ra prolactin và oxytocin để phát động sự tiết sữa và gò ép sữa chảy ra.

3.4.  Các hiện tượng khác:

–         Cơn rét run: cơn rét run sinh lý do sự mắt nhiệt và mệt mỏi khi rặn sinh, mạch nhiệt huyết áp vẫn bình thường. Cần phân biệt cơn rét run sinh lý với rét run do choáng mất máu. Trong choáng mất máu ngoài rét run còn thay đổi về mạch, nhiệt, huyết áp, vã mồ hôi, các chi lạnh.

–         Bí đại tiểu tiện: sau đẻ sản phụ có thể bí đại, tiểu tiện do nhu động ruột giảm, do chuyển dạ kéo dài, ngôi thai đè vào bàng quang.

–         Mạch thường chậm lại và trở lại bình thường sau 5 ngày.

–         Nhịp thở sâu và chậm hơn do cơ hoành không bị đẩy lên cao nữa.

–         Thân nhiệt bình thường, trừ lúc cương sữa có sốt nhẹ.

–         Công thức máu có chút thay đổi: hồng cầu, bạch cầu và sinh sợi huyết hơi tăng là một hiện tượng sinh lý chống lại sự mất máu lúc sinh.

–         Trọng lượng cơ thể giảm từ 3 – 5kg.

4.      CHĂM SÓC HẬU SẢN

4.1.  Ngày thứ nhất: Phải theo dõi sát 24 giờ đầu sau sinh đặc biệt những giờ đầu để phát hiện sớm tình trạng choáng sản khoa hoặc choáng mất máu.

4.1.1                   Trong 2 giờ đầu:

–    Sản phụ phải được nằm theo dõi tại phòng đẻ

–         Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, toàn trạng, khối an toàn tử cung, tình trạng chảy máu âm đạo15 phút/lần trong giờ đầu, 30 phút/ lần giờ thứ 2

Cần phát hiện và xử trí sớm đờ tử cung và chảy máu sau đẻ. Ngay sau đẻ, tử cung co chặt lại, đáy tử cung dưới hoặc ngang rốn tạo thành khối an toàn tử cung. Nếu khám thấy mất khối an toàn, tử cung mềm, nhão hoặc to ra, đáy tử cung cao trên rốn là có máu chảy đọng lại trong buồng tử cung.

Cần đánh giá lượng máu chảy sau đẻ.  Một cuộc đẻ lượng máu mất trung bình khoảng 200-300 ml, nếu mất trên 500ml là bất thường. Nhưng đối với sản phụ có tình trạng mất máu từ trước cần theo dõi sát mặc dù lượng máu mất chưa quá 300ml. Nguyên nhân chảy máu sau đẻ có thể là đờ tử cung, sót nhau, chấn thương đường sinh dục. Máu có thể chảy ra ngoài hoặc đọng lại trong buồng tử cung.

4.1.2                    Những giờ sau: Theo dõi tích cực 2 giờ đầu nếu binh thường, tiếp tục:

– Đưa bà mẹ về phòng nằm chung với con

– Đóng băng vệ sinh, theo dõi các yếu tố như trên 1giờ/ lần

– Giúp bà mẹ ăn uống, ngủ

– Khuyến khích bà mẹ cho trẻ bú sớm

– Vận động nhẹ nhàng sau 6 giờ

Về con: chú ý xem da bé hồng, ấm không?, thở, khóc to?  chảy máu rốn?, bú mẹ, đi tiểu, đi cầu phân su.

4.2.  Những ngày sau:

–         Chăm sóc tinh thần, nhất là những cuộc đẻ không theo ý muốn.

–         Bảo đảm điều kiện vệ sinh tốt cho sản phụ (buồng sạch, thoáng, cách ly buồng nhiễm khuẩn).

–         Theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp ngày 2 lần.

–         Theo dõi sự co hồi tử cung: co hồi tốt hay không, mật độ, sờ nắn có đau không.

–         Theo dõi sản dịch: số lượng, màu sắc, mùi.

–         Làm thuốc ngoài ngày 2 lần bằng Mercyl laurylé, Betadine… hoặc nước chín. Đối với trường hợp có cắt may tầng sinh môn sau khi làm thuốc phải thấm khô và đóng băng vệ sinh sạch. Chú ý làm thuốc ngoài chỉ rửa từ phía âm hộ xuống hậu môn chứ không làm ngược lại.

–         Chăm sóc vú: rửa sạch đầu vú, xoa mềm trước khi cho bú và rửa sạch lại sau khi cho bú. Nên cho con bú sớm. Nếu có hiện tượng tắc tia sữa cần phải day, vắt sữa, hay hút sữa để đề phòng tắc tia sữa dần tới áp xe vú.

–         Đại tiểu tiện: gọi là bí tiểu nếu sau đẻ 12 giờ chưa đi tiểu được, cần phải uống nhiều nước, tập vận động, xoa vùng bàng quang, chờm nóng… nếu chưa được thì phải thông tiểu, lưu sonde và súc rửa bàng quang.

Táo bón nếu sau đẻ 3 ngày chưa đại tiện được, cần vận động sớm, thức ăn nhiều sợi. Cũng có thể thụt tháo hoặc bơm Microlax… vào trực tràng, chú ý không được dùng các thuốc tẩy mạnh.

–         Ăn mặc, đi lại, vệ sinh thân thể:

  • Nằm nghĩ  tại giường trong khoảng 6 giờ đầu, sau 24 giờ tập đi lại quanh giường, 1 tuần sau có thể làm việc nhẹ nhàng.
  • Sau đẻ ngày thứ 2 có thể tắm nước nóng, không nên ngâm trong bồn nước, tránh nơi gió lùa.
  • Ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, không nên kiêng khem quá mức, tránh các chất kích thích.
  • Đảm bảo chế độ ngủ đầy đủ để nhanh chóng phục hồi sức khoẻ sau đẻ và đủ sữa nuôi con.
  • Quần áo mặc rộng rãi, sạch sẽ.

–         Vấn đề lao động: tránh lao động nặng trong thời kỳ hậu sản để phòng sa sinh dục.

–         Vấn đề giao hợp: không nên giao hợp trong thời gian hậu sản vì dễ nhiễm khuẩn.

–         Tránh thai: có thể dùng các biện pháp sau:

  • Cho bú vô kinh, bú mẹ hoàn toàn, liên tục có thể ngừa thai từ 4-6 tháng
  • Xuất tinh ngoài âm đạo
  • Bao cao su
  • Thuốc diệt tinh trùng tại chổ
  • Dụng cụ tử cung, có thể đặt sau 6 tuần hậu sản .
  • Thuốc tránh thai  chỉ chứa Progestatif, viên uống  liều thấp hay depo-medroxyprogesterone acetate không ảnh hưởng hay có thể có tác dụng tăng tiết sửa nhẹ
  • Triệt sản (nếu đủ con hay có chỉ định y khoa), được thực hiện khi mổ sanh hay sau sanh khi sản phụ còn nằm viện, khi mà tử cung chưa co hồi xuống thấp quá, với đường mổ nhỏ vòng quanh dưới rốn có thể thực hiện được phẫu thuật triệt sản dễ dàng. Bệnh nhân phải được tư vấn trước sanh hay trong quá trình khám thai khi lựa chọn  triệt sản.

Những biện pháp tránh thai không thích hợp với phụ nữ sau đẻ:

  • Tránh thai theo vòng kinh: vì vòng kinh cho con bú thường không đều
  • Thuốc tránh thai viên kết hợp,  không phải là chống chỉ định tuyệt đối ở phụ nữ cho con bú mặc dù nó ức chế nhẹ sự tiết sửa.

–  Hẹn tái khám sau 6 tuần hậu sản

Chăm sóc trẻ

–         Quan sát trẻ, tổng trạng,  màu da, nhịp thở, nhịp tim,..

–         Chăm sóc rốn và vệ sinh thân thể

–         Giữ ấm cho trẻ

–         Đề phòng nhiễm khuẩn cho trẻ

–         Cho trẻ bú mẹ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bài giảng sản phụ khoa (2001), Bộ môn phụ sản, Trường ĐH Y Hà Nội.

2.  Sản phụ khoa (2007), Bộ môn phụ sản, Trường ĐH Y Dược Tp.HCM.

3. Charles R.B. Beckmann and al(2010), Postpartum care, Obstetrics and Gynecology, published in collaboration with ACOG, p.125-131

4. F.Gary Cunningham (2010), The Puerperium, William Obstetrics, chap.30

LƯỢNG GIÁ

1.  Tử cung co hồi kém trong thời kỳ hậu sản là do các nguyên nhân sau:

A. Chuyển dạ kéo dài.

B. Sót rau.

C. U xơ tử cung.

D. Nhiễm trùng tử cung.

E. ABCD đúng.

2.  Sốt 38 0 vào ngày thứ 3 thời kỳ hậu sản do những nguyên nhân sau, ngoài trừ:

A. Cương sữa.

B. Nhiễm trùng đường tiểu.

C. Abces vú.

D. Huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

E. Viêm nội mạc tử cung.

3.  Cấu tạo sản dịch bao gồm những thành phần sau, ngoại trừ:

A. Tế bào màng rụng.

B. Tế bào màng đệm.

C. Dịch tiết từ âm đạo, cổ tử cung.

D. Huyết tương

E. Những cục máu nhỏ từ nơi nhau bám.

4.  Thuốc tránh thai nào sau đây khuyên dùng cho phụ nữ sau sanh đang cho con bú:

  1. Marvelon.
  2. Exluton
  3. Rigevidon.
  4. Mercilon
  5. Tri- regon.

5.  Sự tiết sữa, chọn câu sai:

A. Hiện tượng lên sữa thường xẩy ra vào ngày thứ 3 sau sanh.

B. Estrogen trong thai kỳ ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống ống dẫn sữa.

C. Progesteron trong thai kỳ ảnh hưởng tới sự phát triển của cc tiểu thy v  nang tuyến sữa.

D. Prolactin giúp sự phân tiết sữa

E. Oxytocin  tiết ra từ thùy trước tuyến yên kích thích sự ép sữa.

 

Đáp án : 1E 2C 3B 4B 5E

Rate this post

Bình luận bằng facebook

bình luận

Trả lời